Câu chuyện thứ hai
Ở Ấn Độ, một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng ngoại ô xa xôi thường gặp sự cố mất điện kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tình trạng này khiến các chủ cửa hàng địa phương gặp rắc rối rất lớn vì không có đủ nguồn điện dự phòng cần thiết để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Nếu tự mua và lắp đặt máy phát điện tại cửa hàng thì ngay cả chiếc rẻ nhất cũng có giá 440 USD, mức giá không hề phải chăng đối với tình hình làm ăn và thu nhập ở vùng hẻo lánh này. Chính vì vậy, mỗi khi mất điện, họ buộc phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa không buôn bán được gì và tìm mọi cách để giữ hàng hóa trong kho lạnh không bị hỏng quá nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập cá nhân nói riêng và kinh tế của cả khu vực nói chung.
Trong lúc mọi người bất lực chịu đựng, một đại lý của công ty điện máy Nhật Bản đã đưa ra giải pháp bất ngờ. Họ triệu tập 20 chủ cửa hàng trong vùng lại, đề nghị mỗi người chỉ cần chi 22 USD mỗi tháng vào một tài khoản quỹ chung. Đến khi quỹ chung có đủ 440 USD thì sẽ lấy ra để mua một máy phát điện cỡ nhỏ. Mỗi tháng sau đó, 20 chủ cửa hàng cùng nhau rút thăm để xem ai may mắn được đưa chiếc máy ấy về sử dụng. Với điều kiện tiên quyết là tất cả mọi người đều đóng quỹ đều đặn, không vì mình đã có máy sử dụng mà ngừng nộp tiền thì chỉ sau 20 tháng, cả 20 cửa hàng trong khắp vùng ngoại ô này đều đã được trang bị một máy phát điện cho riêng mình.
Đề xuất này nhanh chóng được các chủ cửa hàng tán thành. Thay vì chi một lúc 440 USD, mỗi tháng họ chỉ cần trích ra một phần rất nhỏ, mà lại tránh được tình trạng mất điện, gây khó khăn trong làm ăn. Bên cạnh đó, chính công ty điện máy cũng góp phần mở rộng thị trường và gia tăng nguồn thu nhập mới với những đối tượng khách hàng vốn không đủ khả năng để mua.
Ở đây, đại lý đã rất thông minh khi chọn cách “chia nhỏ” để bán được hết hàng mà vẫn làm khách hài lòng.
Trong cuộc sống cũng vậy, khi đối mặt với một vấn đề lớn cần giải quyết, chia nhỏ mục tiêu chính là lựa chọn tốt nhất. Vị diễn giả động lực nổi tiếng người Mỹ và cũng là tác giả hơn 70 cuốn sách phát triển bản thân – Brian Tracy đã viết rằng: “Làm thế nào để ăn hết một con voi? Câu trả lời là chúng ta cần ăn từng miếng một”. Biết cách chia nhỏ, tận dụng ưu điểm riêng của từng khía cạnh để giải quyết sẽ khiến vấn đề tổng thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.